Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Nhà trẻ ở khu công nghiệp -bước đột phá của doanh nghiệp

0 nhận xét
Quang cảnh này diễn ra mỗi buổi sáng lên lớp tại trường Mẫu giáo Đông Phương, trường dành riêng cho con của công nhân Tập đoàn Phong Thái (Feng Tay) tại Khu công nghiệp Sông Mây, Đồng Nai. Sau giờ khởi động, ăn sáng là bài học thực hành, cô giáo hướng dẫn các bé cách chăm sóc cây cảnh, tưới rau, nhặt cỏ trước khi trở về lớp để tập vẽ tranh và nghe kể chuyện.
Từ khi có trường mẫu giáo khang trang ngay tại ký túc xá dành cho công nhân, vợ chồng anh Miện (Công ty Việt Vinh 1, thuộc Tập đoàn Phong Thái) yên tâm hơn khi gửi con ở đây. Mỗi sáng, anh chị chỉ cần vài phút đưa bé đến trường rồi về đi làm.
Con em công nhân thỏa sức chạy nhảy trên sân cỏ rộng 1 ha của trường mẫu giáo Đông Phương trong giờ tập thể dục. Ảnh: Ngoan Ngoan.
Anh Vũ Xuân Miện đưa hai con trai sinh đôi Vũ Thiên Ân và Vũ Trấn Quốc (5 tuổi) đến trường và tranh thủ nán lại xem con vui đùa cùng các bạn. Anh kể, hồi trước chưa có trường mẫu giáo, anh phải nhờ bà hàng xóm trông giúp bọn trẻ với tiền phí 12.000 đồng một bé một ngày. "Mặc dù nghe mọi người kể những vụ bạo hành ở chỗ này chỗ kia, mình lo lắm nhưng cũng đành gửi con để đi làm", ông bố trẻ nhớ lại.
Từ khi chuyển về ở ký túc xá và xin cho con học ở trường, vợ chồng anh thấy yên tâm hơn khi có giáo viên được đào tạo bài bản chăm sóc cho các bé.
Cùng đưa con đi học, một số phụ huynh cho biết, chi phí trung bình hàng tháng cho mỗi em đi học khoảng 300.000 đồng gồm cả học phí và ăn uống. Riêng dụng cụ, sách vở, quần áo đồng phục, giày đều do trường phát miễn phí. So ra, chỉ riêng khoản gửi con hàng tháng tại đây, mỗi gia đình tiết kiệm được gần 100.000 đồng.
Mỗi phòng học 80 m2 được trang bị tivi, quạt máy, dụng cụ học tập..., có 2 giáo viên chăm sóc từ 25 đến 30 bé. Ảnh: Ngoan Ngoan.
Còn anh Hiếu, công nhân Công ty Dona Pacific (cũng thuộc Tập đoàn Phong Thái) cho biết, mặc dù hai vợ chồng chỉ có một mình anh làm việc cho tập đoàn nhưng cả gia đình đều được vào ở ký túc xá này. Hiện con đầu lòng của anh đang theo học lớp Lá, trường Đông Phương, còn bé gái út gần 2 tuổi còn nhỏ, anh nhờ mẹ ở quê vào chăm sóc cho đến khi bé đủ tuổi đi học.
"Hồi trước ở nhà trọ chật chội, bà xã mình sinh con phải bỏ việc ở nhà chăm sóc bé. Còn bây giờ ở ký túc xá rộng rãi rồi nên rước mẹ vào ở chung cho vui. Ban ngày nhờ có bà ở nhà chăm sóc cháu mà tụi mình mới yên tâm đi làm", anh chia sẻ.
TP HCM hiện có 13 khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng Nai có đến 22 khu công nghiệp. Hàng trăm nghìn công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp phía Nam, trong đó ước hơn một nửa đã có gia đình và con nhỏ. Tuy nhiên hầu hết khu công nghiệp đều không có trường mẫu giáo hay điểm nuôi giữ trẻ cho con công nhân để bố mẹ chúng yên tâm làm việc. Chỉ có vài khu công nghiệp tổ chức nhà trẻ con cho công nhân, do doanh nghiệp chủ động xây dựng, như ở khu công nghiệp Sông Mây (Đồng Nai) này.
Trường mẫu giáo Đông Phương do Tập đoàn Phong Thái xây, dành cho con em của các công nhân thuộc 3 công ty con của doanh nghiệp.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Trần Xuân Khuê Tú, Phó Tổng Giám đốc dự án Ký túc xá và trường Mẫu giáo Đông Phương cho biết, trường nằm trong chuỗi công trình phúc lợi chăm lo đời sống cho công nhân của Tập đoàn Phong Thái. Toàn bộ dự án rộng 8 ha bao gồm: 3 block ký túc xá 4 tầng dành cho 5.500 người, một trường mẫu giáo dành cho con em cán bộ công nhân viên, ngoài ra còn có công viên, sân chơi... với tổng kinh phí xây dựng 14 triệu USD. Từ năm 2008, công trình đã được đưa vào sử dụng hoàn toàn miễn thuế.
Riêng trường Mẫu giáo Đông Phương với diện tích hơn 1 ha có 20 phòng học, mỗi phòng rộng 80m2 được trang bị tivi, máy quạt, dụng cụ học tập, đồ chơi, sân cỏ dành cho hoạt động ngoài trời và tập thể dục. Hơn 40 giáo viên đều đã qua đào tạo nhận giữ 550 trẻ, mỗi lớp 20 - 30 em rải đều ở 3 khối lớp từ Mầm (3 tuổi), Chồi (4 tuổi), Lá (5 tuổi).
Riêng đối với những trường hợp gia đình công nhân có con nhỏ chưa đủ tuổi đến trường, ban quản lý ký túc xá tạo điều kiện cho người nhà vào ở cùng phòng để giúp chăm sóc trẻ.
Nhận thấy nguyện vọng gửi con của công nhân ngày càng cao, bà Tú cho biết, sắp tới công ty sẽ xây thêm 9 phòng học nữa để kịp thời đáp ứng nhu cầu này.
Cô giáo đang hướng dẫn các học sinh thực hành tưới cây. Ảnh: Ngoan Ngoan.
Ông Lù Phẩm Hoải, Chủ tịch công đoàn Công ty Đông Phương (công ty con của Tập đoàn Phong Thái) nhận định, những chăm lo sát sườn trên mà điều kiện sống của công nhân được cải thiện đáng kể, giúp họ yên tâm lao động. "Theo ghi nhận của chúng tôi vào mỗi năm, tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc sau Tết gần như 100% và ở đây cũng chưa bao giờ xảy ra đình công", ông nói.
Theo khảo sát của VnExpress.net, trước tình hình khan hiếm lao động hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai quan tâm đầu tư xây dựng công trình phúc lợi để tạo điều kiện giữ chân người lao động. Song theo phản ánh của một số đơn vị sử dụng nhiều lao động thì vấn đề khó khăn họ gặp phải là thiếu quỹ đất và chính sách ưu đãi của nhà nước.
Đại diện một doanh nghiệp ở quận Bình Tân, TP HCM bày tỏ: "Chúng tôi cũng muốn làm nhưng quỹ đất không đủ, trong khi các chính sách giao đất, ưu đãi giảm thuế, cho doanh nghiệp vay vốn xây dựng nhà công nhân trên thực tế còn phức tạp. Vì vậy mà dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân của chúng tôi vẫn còn chưa thực hiện được".
Ngoan Ngoan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm thông tin