Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Khi siêu lạm phát bùng nổ

0 nhận xét

Trong khi bạn đang uống một cốc cà phê, giá của nó đã kịp tăng lên gấp đôi. Chuyện này diễn ra khi lạm phát phi mã, giá cả tăng nhanh theo cấp số mũ và tiền trở nên vô giá trị chỉ trong vòng một đêm.

Dưới đây là 5 trường hợp lạm phát phi mã tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử.

5. Hy Lạp: tháng 10/1944

Tháng lạm phát cao nhất: 13.800%
Giá tăng gấp đôi sau mỗi 4,3 ngày
Siêu lạm phát tại Hy Lạp diễn ra do cuộc chiếm đóng của quân đội Đức năm 1944.
Siêu lạm phát tại Hy Lạp diễn ra do cuộc chiếm đóng của quân đội Đức năm 1944. Ảnh: Hulton Archive
Lạm phát ở Hy Lạp bắt đầu vào tháng 10/1943 khi quân đội Đức đang chiếm đóng nước này trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên, lạm phát trở nên trầm trọng nhất là vào tháng 10/1944 khi chính quyền lưu vong Hy Lạp giành lại quyền kiểm soát Athen. Giá cả đã tăng 13.800% vào thời điểm đó và tăng 1.600% vào tháng 11.
Năm 1938, trung bình người Hy Lạp giữ tiền trong khoảng 40 ngày rồi mới đem tiêu, nhưng vào ngày 10/11/1944, con số này co lại chỉ còn 4 giờ. Năm 1942, mệnh giá lớn nhất của đồng drachma Hy Lạp là 50.000, nhưng vào năm 1944, con số này là 100 nghìn tỷ. Ngày 11/11/1944, chính phủ Hy Lạp đã phải định giá lại đơn vị tiền tệ của mình và đổi đồng drachma cũ sang đồng tiền mới với tỷ lệ 50 tỷ : 1. Tuy nhiên, đại bộ phận dân chúng vẫn dùng đồng bảng Anh như một đơn vị tiền tệ không chính thức cho đến giữa năm 1945.
Nguyên nhân chính của cuộc siêu lạm phát này là chiến tranh. Cuộc chiến này đã làm Hy Lạp ngập chìm trong nợ nần, thương mại bị đình trệ và chịu 4 năm bị chiếm đóng. Năm tài chính 1939, Hy Lạp thặng dư ngân sách là 271 triệu drachma, nhưng khoản tiền này nhanh chóng chuyển thành thâm hụt 790 triệu USD vào năm 1940, chủ yếu do suy giảm thương mại và sản xuất công nghiệp thiếu nguyên liệu thô hiếm cộng với các khoản chi ngoài dự tính cho quân sự. Thâm hụt ngân sách còn gia tăng do ngân hàng trung ương Hy Lạp liên tục rút tiền, hành động này đã làm cung tiền trên thị trường tăng gấp đôi chỉ sau 2 năm.
Các nỗ lực bình ổn giá bắt đầu phát huy tác dụng từ tháng 1 đến tháng 5/1945, giá chỉ tăng 140%, nhờ nhà kinh tế học kiệt xuất Kyriakos Varvaressos. Thậm chí sang tháng 6/1945, Hy Lạp còn giảm phát tới 36,8% vào tháng 6/1945 . Tuy nhiên, kế hoạch tăng viện trợ từ nước ngoài, khôi phục sản xuất trong nước và tăng cường kiểm soát lương và giá cả thông qua việc phân phối lại của cải lại làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt ngân sách của Hy Lạp, vì vậy, Varvaressos đã phải từ chức vào ngày 1/9.
Sau cuộc nội chiến 1945-1946, nước Anh đề xuất một kế hoạch bình ổn cho Hy Lạp, bao gồm tăng doanh thu từ việc bán hàng cứu trợ, điều chỉnh một số thuế suất đặc biệt, cải thiện phương pháp thu thuế và thành lập một Ủy ban tiền tệ ( gồm 3 bộ trưởng Hy Lạp, một người Anh và 1 người Mỹ) để chịu trách nhiệm các vấn đề về tài chính. Vào đầu năm 1947, giá cả được bình ổn, niềm tin người tiêu dùng được phục hồi và thu nhập người dân được nâng cao, chính thức đưa Hy Lạp thoát khỏi lạm phát phi mã.

4. Đức: tháng 10/1923

Tháng lạm phát cao nhất: 29.500%
Giá tăng gấp đôi sau mỗi: 3,7 ngày
Siêu lạm phát tại Đức diễn ra trong Thế chiến thứ nhất, thậm chí xuất hiện rối loạn tâm lý mang tên
Siêu lạm phát tại Đức diễn ra trong Thế chiến thứ nhất, thậm chí xuất hiện rối loạn tâm lý mang tên "Zero Stroke". Ảnh: Hulton Archive
Đồng mác Đức (papiermark) được sử dụng từ năm 1914 khi chế độ bản vị vàng bị bãi bỏ. Tỷ giá với đồng USD ban đầu ở mức 4,2 mác/USD khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Tuy nhiên, tháng 8/1923, người ta phải bỏ ra 1 triệu mác Đức để đổi USD. Và đến tháng 11/1923, con số này đã tăng lên 238 triệu mác. Đó là thời điểm xuất hiện sự rối loạn tâm lý mang tên “Zero Stroke” khi người dân Đức phải giao dịch với lượng tiền trị giá đến hàng trăm tỷ mác Đức mỗi ngày và chóng mặt với hàng dãy số 0 tưởng như bất tận.
Lạm phát cao buộc chính phủ Đức phải định giá lại đồng mác và thay đồng papiermark bằng đồng rentenmark với tỷ giá 4,2 rentenmark/USD và cắt bớt 12 số 0 trên tờ tiền papiermark. Mặc dù đồng rentenmark đã bình ổn kinh tế một cách khá hiệu quả và chính phủ cộng hòa Weimar vẫn tiếp tục tồn tại cho đến năm 1933, nhưng siêu lạm phát và những áp lực kinh tế mà nó gây ra đã góp phần cho sự nổi lên của đảng Nazi và Adolf Hitler.
Dù rất nhiều người tin rằng lạm phát phi mã ở Đức là hệ quả trực tiếp từ việc chính phủ in quá nhiều tiền để chi cho chiến tranh, nhưng nguyên nhân chính của việc này đã được hé lộ sau đó vài năm.
Năm 1914, Đức ngừng hỗ trợ cho đồng tiền nước này bằng vàng và bắt đầu đi vay để chi trả cho chiến tranh thay vì thu thuế. Năm 1919, giá cả gần như đã tăng gấp đôi và nước Đức thất trận. Thế nhưng giai đoạn 1919 - 1921, đồng tiền nước này vẫn còn tương đối ổn định so với những năm sau đó.
Khoản tiền bồi thường sau chiến tranh được quy định trong Hiệp ước Versailles buộc Đức phải trả bằng vàng hay ngoại tệ tương ứng thay vì đồng papiermark. Để mua số ngoại tệ này, chính phủ Đức đã phải sử dụng đồng papiermark được đảm bảo bằng nợ chính phủ và vì vậy đã làm tăng tốc độ phá giá đồng tiền.
Khi người Đức không thể trả được các khoản nợ, quân đội Pháp và Bỉ đã chiếm thung lũng Ruhr vào tháng 1/1923 để đòi hỏi Đức phải trả bằng hiện vật. Việc này đã gây ra rất nhiều vụ đình công và phản kháng bị động của công nhân tại đây và làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Khi chính phủ các nước châu Âu xung đột về việc tìm ra cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này, thì nền kinh tế Đức đã nhanh chóng suy sụp. Và chỉ trong vòng hơn 1,5 năm cả nước Đức đã chìm trong lạm phát phi mã.

3. Yugoslavia: tháng 1/1994

Một mệnh giá tiền Yugoslavia được in trong thời siêu lạm phát.
Một mệnh giá tiền Yugoslavia được in trong thời siêu lạm phát.
Tháng lạm phát cao nhất: 315.000.000%
Giá tăng gấp đôi sau mỗi: 1,4 ngày
Một trường hợp siêu lạm phát nữa đã xảy ra với đồng dinar của Yugoslavia trong khoảng thời gian 1993 – 1995. Đỉnh điểm của cuộc lạm phát này là vào tháng 1/1994 khi giá cả tăng 313 triệu phần trăm trong vòng một tháng - tương đương 64,6% mỗi ngày với giá tăng gấp đôi chỉ sau 34 giờ. Trong toàn bộ thời kỳ lạm phát, ước tính giá cả tăng khoảng 5 triệu tỷ lần.
Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp Yugoslavia đã từ chối sử dụng đồng dinar và đồng mác Đức (DM) trở thành đơn vị tiền tệ không chính thức của nước này, ngay cả sau khi chính phủ tái định giá đồng dinar bằng việc đổi 1 triệu dinar cũ sang 1 dinar mới. Theo một nghiên cứu của giáo sư Thayer Watkins đến từ đại học bang San Jose, vào ngày 12/11/1993, 1 mác Đức = 1 triệu dinar mới. Và vào ngày 15/12, 1 mác Đức đã tương đương 3,7 tỷ dinar. Còn đến cuối tháng thì tỷ lệ này đã trở thành 1 mác Đức = 3 nghìn tỷ dinar.
Sau lần định giá thứ hai, 1 dinar “mới của mới” tương tương 1 tỷ dinar “mới của cũ” và 1 mác Đức đổi được 6.000 dinar. Ngày 17/01/1994, tỷ giá vọt lên tới 1 mác Đức = 30 triệu dinar; đến ngày 24/01, chính phủ đã phải đưa ra đồng “siêu” dinar tương đương 10 triệu dinar “mới của mới”, đây chính là lần tái định giá thứ 5.
Trong suốt giai đoạn này, chính phủ đã phải trải qua một thời kì vô cùng khó khăn khi phải duy trì cấu trúc xã hội sau hàng loạt các biện pháp kiểm soát giá cả không hiệu quả. Các cơ quan chính phủ gần như không thể hoạt động và người dân thì không chịu trả hóa đơn đúng hạn bởi họ biết tiền sẽ mất giá rất nhanh sau đó.
Nguyên nhân đằng sau lạm phát của Yugoslavia chính là từ những xung đột trong khu vực, khủng hoảng kinh tế và những chính sách quản lý kém hiệu quả của chính phủ.
Sau cuộc suy thoái mang đậm dấu ấn của những khoản vay nước ngoài khổng lồ và đình trệ xuất khẩu vào thập niên 1970, Yugoslavia đã ngập chìm trong xung đột và đấu tranh chính trị trong suốt những năm 80 và 90. Trong hai năm 1989 và 1990, sau khi nhận khoản vay từ IMF, khoảng 1.100 công ty tại đây đã bị phá sản, kéo theo hơn 600 nghìn trên tổng số 2,7 triệu lao động bị sa thải. Ngoài ra, một số công ty đã quyết định không trả lương cho công nhân trong những tháng đầu năm để tránh phá sản. Việc này đã làm ảnh hưởng đến khoảng 500 nghìn người.
Chiến tranh Yugoslav, sự tan rã và mất ổn định của chính phủ là những nguyên nhân chính gây lạm phát phi mã. Sự quản lý yếu kém của chính phủ, bao gồm cả việc nhận thức kém về các chính sách kinh tế khi cho in tiền không kiểm soát, làm thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng và áp đặt giá cả làm tình hình trở nên ngày càng tồi tệ.
Chính phủ áp đặt giá cả ở mức quá thấp và người dân không thể có lợi nhuận từ việc bán nông sản, hậu quả là, họ đóng cửa hàng để bảo vệ hàng hóa của mình. Còn chính phủ thì thay vì gỡ bỏ kiểm soát giá cả, họ lại mua hàng từ nước ngoài. Nguồn cung giảm mạnh khiến giá cả nhanh chóng tăng vọt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm thông tin