Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Những kiểu đòi tăng lương kỳ quặc

0 nhận xét
Sếp của Hải tròn mắt lên khi nghe anh trình bày lý do xin tăng lương: “Dạo này vợ tôi nó tiêu nhiều quá, lương của tôi không chu cấp đủ”.
Đã đi làm thì đều muốn tăng lương, nhưng không phải ai cũng dám đề xuất với sếp. Những người “cả gan” đề xuất thì thường tìm lý do thật thuyết phục, nhiều khi đến mức kỳ dị, và không phải ai cũng thành công.
Xin tăng lương vì… vợ “ăn chơi”
Anh Lê Du, 38 tuổi, giám đốc một công ty đóng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội kể về một nhân viên tên Việt. “Cứng” tuổi hơn phần lớn nhân viên khác, già hơn sếp nhưng làm việc kém hơn, anh này lại là người hay đòi tăng lương nhất. Lần đó, anh Du đang bận giải quyết nhiều việc quan trọng trước khi đi công tác thì Việt khẩn thiết xin gặp. Anh ta gọi điện nhiều lần cho đến lúc sếp dành ra được ít phút để tiếp.
Việt trình bày: “Dạo này nhà tôi nhiều người ở quê ra quá. Đón tiếp, phục vụ mà không chu đáo là họ trách ngay, tiếng xấu vang khắp họ ý chứ”. Giám đốc Du sốt ruột nhìn đồng hồ, không hiểu Việt định đi đến đâu. Anh ta nói tiếp: “Ngày nào cũng đãi khách, tốn kinh. Còn vợ tôi nữa, dạo này nó tiêu pha, mua sắm nhiều quá. Chẳng lẽ lại hoạnh họe khi vợ mua cái váy, thỏi son? Nhưng mà lương tôi không đủ. Đề nghị anh tăng lương cho tôi”.
Tất nhiên là giám đốc Du từ chối. Nhưng ít lâu sau, khi công ty thành lập một bộ phận mới, anh chuyển Việt sang vì công việc ở đó hợp với anh ta hơn, tạo điều kiện cho anh ta tăng thu nhập khi chứng tỏ được mình.


Theo sếp vào tận… toilet
Trong khi những nhân viên khác “giẫm chân tại chỗ” về thu nhập thì Đức Huân, 28 tuổi, lại có mức lương được nhích lên khá thường xuyên, một là vì anh làm tốt công việc, hai là anh dám đòi quyền lợi. Tuy nhiên, đôi khi anh cũng làm sếp ngán vì những yêu cầu của mình. Lần nọ, cho là đã đến lúc mức lương của mình được điều chỉnh, Huân lại xin gặp sếp. Sếp hỏi lý do, Huân nói trao đổi về lương. Sếp bảo rất bận, vả lại đang có kế hoạch xét lại lương cả công ty nên chưa cần trao đổi bây giờ, rồi cụp máy.
Phòng sếp không có toilet riêng, bàn làm việc của Huân lại gần cửa. Thế nên hễ sếp ra ngoài “giải quyết”, anh chàng bám theo ngay. Huân vừa “anh ạ” mà chưa kịp trình bày, sếp đã chui tọt vào một phòng toilet. Nhưng khi đi ra, sếp thấy chàng nhân viên “cầm tinh con đỉa” vẫn đứng chờ. Rất may là tiếng chuông điện thoại trong phòng đã cứu sếp. Thế là từ đó, hễ ra khỏi phòng, sếp đều cầm theo điện thoại, nếu thấy Huân là lập tức đưa máy tên alô ngay. Nhưng Huân vẫn quyết không sờn lòng nên cực chẳng đã, một hôm sếp đành phải bảo: “Được rồi, tôi đã quyết định ba tháng nữa cậu sẽ được tăng lương”.
Đạt mục đích, Huân thôi không “quấy” sếp nữa. Ba tháng sau, một email thông báo lương của anh được điều chỉnh tăng… 100.000 đồng. Và Huân nhận thấy sếp có chiều lạnh nhạt với mình.
Cùng một cách nhưng người thành, người bại
Chị Bích, 36 tuổi, là loại nhân viên không sếp nào muốn mất. Sếp Bích cũng thế, nhưng ông chẳng bao giờ nhớ đến chuyện tăng lương. Một số đồng nghiệp khi có dịp đều nhắc sếp rằng với Bích, mức lương như thế là chưa hợp lý (họ biết rằng Bích mà chưa được tăng thì còn lâu mới đến lượt họ), nhưng sếp cứ lờ tịt đi.
Nhân có vài nơi mời với mức lương cao hơn, Bích “tâm sự” với vài đồng nghiệp và cho biết đang cân nhắc. Khi biết tin này đã đến tai sếp, chị xin gặp ông để xin ý kiến về việc riêng. “Em có một khúc mắc muốn nhờ anh tư vấn không phải với tư cách lãnh đạo, mà như một người anh giàu kinh nghiệm khuyên em út”, Bích nói và kể việc được mời, rằng chị không muốn đi vì đã gắn bó với mọi người, yêu thích công việc ở đây, nhưng mức lương kia có thể giúp chị giải quyết nhiều việc. “Em biết công ty mình còn khó khăn nên không đòi hỏi, nhưng em cũng có những vấn đề riêng nên khó nghĩ quá. Anh có lời khuyên nào cho em không ạ?”. Thế là sếp nói sẽ tôn trọng mọi quyết định của Bích nhưng mong Bích ở lại, vì ở đây chị có cơ hội phát triển ông sẽ tăng lương cho chị dù không được như công ty kia.
Thành công của Bích làm cả công ty phấn khởi. Nhiều người khác cũng rục rịch đề nghị tăng lương. Trong đó có một cậu quyết định bê luôn “sách lược” của Bích. Cậu tung tin có công ty đang lôi kéo, rồi cũng đến gặp sếp, và ớ ra khi sếp bắt tay: “Thành thật chúc mừng em. Anh rất tiếc nếu em đi, nhưng công ty chưa có khả năng trả lương cao hơn”.
“Sai lầm của cậu ấy là không nhận ra sự khác nhau về vị trí của mỗi người, và việc lặp lại một cách trong thời gian ngắn như thế dễ gây phản ứng xấu”, Bích nói. Còn Lê Du, ở cương vị giám đốc, thì cho rằng đề nghị tăng lương là điều tự nhiên. Tuy nhiên để thành công, nên đưa ra lý do thuyết phục, và chứng minh được mình xứng đáng với mức lương cao hơn. “Yêu cầu tăng lương có thể được đưa ra trực tiếp hay gián tiếp, một cách thẳng thừng hay tế nhị, nhưng cái chính là nhận thức được đúng giá trị của mình”, Du nói.
 
\

Theo VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm thông tin