Đó là nhận định của ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết tại buổi hội thảo "Xu hướng thị trường bất động sản Việt Nam 2011 - Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư - Cơ hội hợp tác" diễn ra tại Hà Nội mới đây.
Giá sẽ còn tăng
Cùng với việc phát triển của thị trường, giá bất động sản cũng tiếp tục tăng. Nguyên nhân, theo ông Thiện chính là việc nhà nước dần thực hiện việc thu tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư theo hướng sát với giá thị trường. "Chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sẽ tăng lên. Từ đó, giá bất động sản cũng sẽ tăng theo", ông Thiện nói.
Mấy năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh, thay vì đầu tư vào vàng và chứng khoán, nhiều các nhà đẩu tư đã chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Theo ông Nguyễn Trung Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thế Kỷ, ba kênh đầu tư chính trên thị trường hiện nay là bất động sản, chứng khoán và vàng, cả ba thị trường này đều có mối liên thông với nhau. "Trong thời điểm hiện tại vàng và chứng khoán luôn có những biến động phức tạp. Theo kinh nghiệm của phần lớn nhà đầu tư bất động sản khi đầu tư vào vàng và chứng khoán họ đều không thành công. Trong khi đó, bất động sản đem lại không ít lợi nhuận, điều đó chứng tỏ bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn và ít rủi ro. Chính yếu tố đó đã thu hút ngày các nhiều các nhà đầu tư tham gia vào thị trường", ông Vũ nhận định.
Đồng quan điểm với việc giá bất động sản khó giảm trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng năm 2012 Chính phủ sẽ trình Quốc hội thay đổi toàn bộ Luật Đất đai theo đúng cơ chế thị trường, và điều này sẽ có những tác động đến thị trường bất động sản. "Tôi nghĩ rằng những năm tới có rất nhiều cơ hội để làm ăn và thị trường vẫn sôi động bởi hiện tại. Các nghị định sửa đổi (như Nghị định 69, Nghị định 198) đã đi vào cuộc sống, chính sách về tiền sử dụng đất trong đầu tư kinh doanh bất động sản được tính sát với giá thị trường. Như vậy đầu vào cao thì giá đầu ra khó có thể hạ được", ông Minh nói.
Cần một thị trường minh bạch
Trước thực trạng thiếu minh bạch trong thị trường bất động sản của Việt Nam, trong năm 2010, Nghị định 71/2010/NĐ – CP đã được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thuộc lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đánh giá về tác động của chính sách, đặc biệt là Nghị định 71 đến thị trường, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật đất đai, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng cơ chế chính sách Nhà nước cũng chỉ có tác động một phần nào đến thị trường, trong khi thị trường luôn vận động theo quy luật cung - cầu. "Các quy định của Nhà nước cũng chỉ ở mức độ nào đó, nếu can thiệp quá sâu rất dễ gây nên méo mó thị trường", ông Tuyến nói.
Tuy nhiên, khi đánh khi nói đến việc xây dựng một thị trường bất động sản minh bạch, ông Tống Văn Nga, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng cần quan tâm đến các yếu tố tạo điều kiện để thị trường mich bạch, mà trước tiên phải có đủ nguồn cung và sản phẩm chắc chắn phải thông qua sàn giao dịch. Nhưng đến thời điểm này, những yếu tố đó lại là những khó khăn tại thị trường Hà Nội. "Hiện tại, Luật kinh doanh bất động sản quy định phải xong phần móng mới được thu tiền nhưng nhiều doanh nghiệp có rất nhiều hình thức huy động vốn khác nhau như góp vốn, huy động góp vốn để lấy quyền mua bất động sản, hàng bán rồi sau đó mới đưa lên sàn để làm thủ tục hợp thức hóa", ông Nga cho biết.
Điều cốt lõi để có thị trường minh bạch, theo ông Nga chính là việc từng khâu trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường phải minh bạch, từ quy hoạch đến hình thành, xét duyệt, môi giới, triển khai dự án...
Theo một số chuyên gia, nếu Hà Nội có đầy đủ nguồn hàng như TPHCM thì chắc chắn tính minh bạch sẽ dần có những bước chuyển biến, còn với tình trạng thiếu nguồn hàng như hiện tại thì việc có được một thị trường minh bạch là rất khó.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến cũng khẳng định, minh bạch thị trường là điều hướng tới của tất cả các nước, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. "Nhưng vẫn cần phải cân nhắc lợi nhuận với tính minh bạch khi phát triển thị trường để đảm bảo lợi ích của các chủ đầu tư. Dưới góc độ nhà nước việc tạo ra được cơ chế buộc chủ đầu tư phải minh bạch đó mới là vấn đề cần đặt ra. Việc minh bạch thị trường thông qua cơ chế pháp lý, sẽ giúp nhà nước cũng có kênh thông tin dự báo thị trường chính thức để tránh kinh doanh theo kiểu cảm tính", ông Tuyến nói.
(Theo TBKTSG)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét