Dù không tổ chức thành phòng chuyên nghiệp nhưng chăm chút một tí thì không gian sẽ tương thích và âm thanh nghe hấp dẫn hơn.
Nơi nghe nhạc, xem phim, hát karaoke tại gia có nhiều cấp độ để có thể bố trí dàn âm thanh, đèn chiếu sáng…. Ở đó có thể là không gian mở, hoặc dưới tầng hầm, tầng áp mái hay chọn một phòng riêng. Dù không tổ chức thành phòng chuyên nghiệp nhưng chăm chút một tí thì không gian sẽ tương thích và âm thanh nghe hấp dẫn hơn.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu thì nên chọn một nơi gần trục giao thông theo chiều đứng, ở đó tiện cho các thành viên trong gia đình tham gia. Hoặc đưa lên tầng áp mái hay tầng hầm – những vị trí này ít gây tiếng ồn và không gian có tính độc lập. Về ánh sáng nên chọn màu ấm, vừa phải và tổ chức đèn hắt tạo điểm nhấn để “thư giãn” ánh sáng một cách dễ chịu.
Tạp âm thường là nguyên nhân làm cho âm thanh nghe chưa được như ý dù dàn máy có thể thuộc vào loại cao cấp. Ngoài ra, còn phải quan tâm đến những yếu tố như kích thước phòng, cách bố trí các thiết bị, vật liệu cách âm… vì đó cũng là những duyên do làm cho tiếng nhạc “gọn ghẽ” hơn, âm thanh “no tròn” hơn hay ngược lại. Tạp âm có thể tác động từ bên ngoài, từ quạt máy, máy điều hoà, từ hệ thống âm thanh hay chính từ phòng nghe nhạc tạo ra. Để nhận diện những tạp âm từ đâu ra, có thể “luồn” ra phía sau các loa để lắng nghe.
Nhạc công guitar Nguyễn Chí Cung – “tín đồ” của các phòng nghe nhạc tư vấn, các phòng chiếu phim, karaoke thường sử dụng vải nhung, vải dày treo như màn cửa quanh phòng làm thiết bị cách âm vì âm thanh phản hồi sẽ bị hấp thu – không bị tiếng vang dội. Bởi vải có tác dụng hút khoảng 70% âm bổng (treble) và phản hồi 100% âm trầm (bass). Âm thanh trong phòng nghe tạo ra từ âm thanh trực tiếp từ máy và âm thanh phản hồi, cho nên sử dụng vải làm vật liệu cách âm thì sẽ nghe tiếng bass lớn hơn và giúp bạn nghe âm thanh được mượt mà hơn. Và không nên treo nhiều tranh ảnh hay các vật liệu cứng trong phòng nghe nhạc vì âm thanh sẽ bị “chi phối” gây nhiều tạp âm và không được trung thực.
Thông thường đặt các loa cách nhau ít nhất 3m, cách người ngồi nghe 4m và cách tường 1m. Đặt loa cách xa tường và sàn phòng để tránh tiếng dội của âm trầm – bass, hướng loa thường tạo thành một tam giác là hợp lý và hướng về phía người nghe. Với phòng nghe nhạc không nên thiết kế trần vòm vì nó sẽ tạo nên tiếng dội, tức hiệu ứng echo – không mong muốn. Và nếu trần cao quá 3m thì nên sử dụng loa tháp hay chân loa để tâm của màng loa ngang với chiều cao tai người nghe. Nên để khoảng trống sau lưng người ngồi nghe, có thể đặt tấm xốp hay tấm vải nhung để chống các âm thanh dội từ tường lại. Bố trí như vậy thì phòng nghe nhạc chuẩn cũng phải 15m2 trở lên, phòng nhỏ quá, hiệu ứng âm thanh sẽ lệch lạc.
Về nguyên lý thì đặt ampli càng gần loa càng hay vì sẽ giảm được hao tổn công suất trên dây loa. Và chất lượng dây loa cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng âm thanh. Giá trị dây loa có nhiều cấp giá cả và tuỳ thuộc vào kim loại của ruột sợi dây như vàng – bạc – đồng – bạch kim hay hợp kim. Ngoài ra, âm thanh đi qua dây loa còn phụ thuộc vào hãng sản xuất, công nghệ chế tạo, tiết diện dây, nhiệt độ môi trường.
Theo SGTT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét